TUYÊN TRUYỀN CHUYÊN ĐỀ GIÁO DỤC LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM
Cập nhật lúc : 09:17 15/06/2021
XÂY DỰNG TRƯỜNG MẦM NON LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM
“Hãy dành những điều tốt nhất cho trẻ”
Câu nói trên thật ý nghĩa và là điều mong mỏi của cha mẹ, thầy cô và toàn xã hội.Trường mầm non là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ.Vì vậy, chúng ta cần tạo ra một môi trường tốt nhất để chăm sóc, giáo dục những mầm non tương lai của đất nước. Việc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục mầm non với các mục tiêu: tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ; đẩy mạnh tích hợp, chú trọng giáo dục đạo đức, hình thành và phát triển kỹ năng sống, hiểu biết xã hội phù hợp với độ tuổi của trẻ, giúp trẻ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, làm việc theo nhóm để được trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ và trình bày ý kiến của mình; biết suy nghĩ và vận dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, giải quyết các tình huống mà trẻ gặp phải. Từ đó, trẻ mạnh dạn, tự tin, tích cực, chủ động tư duy, sáng tạo, thích thú tìm tòi, khám phá trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục ở trường lớp.
Để thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, trường mầm non Quảng Thọ luôn bám sát sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Điền, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch có lộ trình qua từng năm học.Sau mỗi năm học, nhà trường có sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Các đồng chí trong BGH, giáo viên và nhân viên nhà trường luôn thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, xây dựng môi trường, đánh giá sự phát triển của trẻ … có sự phối kết hợp chặt chẽ để tuyên truyền với cha mẹ trẻ, cộng đồng xã hội hiểu sâu hơn về ý nghĩa tầm quan trọng của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Nhà trường đã tạo môi trường giáo dục và xác định đây là yếu tố quan trọng góp phần tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhà trường đã thiết kế môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn về thể chất và tâm lý cho trẻ. Trẻ thường xuyên được giao tiếp trong mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh-một môi trường vui chơi, học tập thực sự tin cậy, hiệu quả.
Môi trường vật chất trong và ngoài lớp luôn đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả trẻ có thể “chơi mà học, học bằng chơi”, phù hợp với thực tế của nhà trường. Các khu vực trong lớp được thiết kế theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động đảm bảo phù hợp, linh hoạt, đa dạng phong phú; các góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng đồ dùng, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm.
Mỗi lớp học đều có đủ các góc chơi phù hợp với từng độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo theo yêu cầu chương trình GDMN. Các góc hoạt động có không gian, cách sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ. Để tạo hứng thú cho trẻ, giáo viên đã tích cực tạo môi trường lớp học với những màu sắc sinh động, cho trẻ tham gia trang trí lớp học cùng cô. Giáo viên đã thiết kế các góc hoạt động trong lớp hợp lí: Góc hoạt động yên tĩnh bố trí ở xa góc hoạt động ồn ào, góc thư viện/sử dụng sách, tranh ở những nơi nhiều ánh sáng…Các góc hoạt động có “ranh giới” rõ ràng, có lối đi cho trẻ di chuyển thuận tiện khi liên kết giữa các góc chơi.Vị trí các góc hoạt động được sắp xếp hợp lý giúp cô và trẻ dễ dàng quan sát được toàn bộ hoạt động. Có góc ở trong phòng, có góc ở ngoài trời thuộc khu vực hiên chơi hoặc bồn hoa cạnh lớp học, các góc được sắp xếp hấp dẫn có đủ đồ chơi, học liệu và phương tiện đặc trưng cho từng góc.Trong lớp học, những góc chơi của trẻ được giáo viên trang tríhợp lý, lôi cuốn trẻ với những đồ dùng đồ chơi màu sắc sinh động, những nhân vật ngộ nghĩnh, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ; phản ánh kinh nghiệm, văn hóa của địa phương; luôn thay đổi để tạo ra sự hấp dẫn mới lạ đối với trẻ. Các đồ dùng đồ chơi có giá đựng ngăn nắp, gọn gàng, trẻ dễ thấy, dễ lấy, dễ cất. Đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu được thay đổi và bổ sung phù hợp với mục tiêu chủ đề/hoạt động. Có nguyên vật liệu mang tính mở (lá cây, hột hạt, chai lọ…), có sản phẩm hoàn thiện, sản phẩm chưa hoàn thiện… Có sản phẩm mua sẵn, sản phẩm cô và trẻ tự làm, sản phẩm đặc thù của địa phương. Đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu an toàn, đảm bảo vệ sinh, phù hợp với thể chất và tâm lí của trẻ mầm non.
Nhà trường luôn bố trí các khu vực cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời một cách khoa học và đảm bảo an toàn.
Giáo viên thường xuyên đánh giá sự phát triển của trẻ qua các hoạt động hàng ngày, giai đoạn, cuối độ tuổi để biết được tâm sinh lý của trẻ, sự phát triển của trẻ qua từng giai đoạn, khả năng sẵn sàng, chiều hướng phát triển ở những giai đoạn tiếp theo. Từ đó, giáo viên có được các thông tin về sự tiến bộ của trẻ, biết được hiệu quả của các hoạt động, mức độ kết quả đạt được so với mục tiêu; từ đó sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp. Đánh giá sự phát triển của trẻ cũng là cơ sở để cán bộ quản lý, giáo viên trao đổi, đưa ra những quyết định phối hợp trong giáo dục trẻ với cha mẹ trẻ.
Nhà trường luôn phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, lãnh đạo địa phương cùng với cộng đồng làm tốt công tác vận động và tiếp nhận tài trợ để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng khang trang hiện đại. Tuyên truyền tới cộng đồng, cha mẹ trẻ về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non và hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Nhà trường kịp thời thông tin đến gia đình những tiến bộ hoặc những khó khăn của trẻ, có biện pháp khuyến khích sự chia sẻ của gia đình về đặc điểm tâm lý của trẻ để thống nhất các biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ; tôn trọng sự khác biệt và nhu cầu của mỗi gia đình để có những phối hợp với từng gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ bằng nhiều hình thức, phương pháp nhằm thu hút các bậc cha mẹ và cộng đồng tham gia hiệu quả vào công tác xây dựng môi trường giáo dục và các hoạt động của nhà trường đặc biệt là tổ chức các hoạt động lễ hội, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Chuyên đề“Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”thực sự cần thiết và quan trọng bởiđã giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu vui chơi, hoạt động "Chơi mà học, học bằng chơi".Sau những năm thực hiện chuyên đề, nhà trường đã đạt được những kết quả thiết thực.Trẻ trở thành trung tâm, phát triển khỏe mạnh, tích cực, hứng thú tham gia các hoạt động, mạnh dạn, tự tin và phát triển các tố chất cần thiết, phù hợp với lứa tuổi.Từ đó, trẻ được phát triển toàn diện về mọi mặt phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non và yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Nguyễn Thi Thanh Thủy-HT
Bản quyền thuộc Trường mầm non Quảng Thọ
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://mn-qtho.quangdien.thuathienhue.edu.vn/